Đến các bệnh viện, bạn dễ dàng nhìn thấy hình ảnh các bệnh nhân và người nhà rất kính trọng, rất ngưỡng mộ các bác sĩ, nên bạn dễ thích ngành y. Song bạn cũng cần phải thấy được làm nghề bác sĩ cũng có những thách thức như: thường xuyên ăn ngủ thất thường, thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố có thể lây nhiễm bệnh tật, rồi còn có thể phải chịu trận với những hành vi bạo lực của người nhà bệnh nhân,... nên muốn làm nghề bác sĩ ngoài việc giỏi chuyên môn, thành thạo kỹ năng nghề thì phải khỏe mạnh, chịu được áp lực, cẩn thận, giàu tình thương, bao dung,...
Tôi học dốt toán nhưng sau mấy chục năm rời ghế nhà trường tôi vẫn nhớ được một điều đơn giản nhất đó là điều kiện “cần & đủ” để giải bài tập. Đến hôm nay vẫn có rất nhiều người phải bỏ học ngay khi còn ngồi trên giảng đường cao đẳng, đại học; có người bỏ sau khi đi làm, có người thất nghiệp,... phải chăng là vì họ chưa thực rõ các điều kiện “cần & đủ” trong chọn nghề?
Nếu như điều kiện cần để chọn nghề là phải hiểu sứ mệnh, đặc điểm, tính chất,... của ngành nghề, bề nổi của tảng băng nghề nghiệp, thì điều kiện “đủ” sẽ là yêu cầu, tiêu chí lựa chọn người lao động của ngành nghề, phần chìm của tảng băng nghề nghiệp. Điều kiện “đủ” dễ bị bỏ qua, dễ bị bỏ sót, vì không dễ nhìn thấy nên việc chọn nghề sai của nhiều người thực sự dễ hiểu. Những điều kiện đủ để nghề chọn lựa người lao động bao gồm: giới tính, ngoại hình; sức khỏe; tính cách đặc trưng, trí năng nổi trội và tốc độ phản ứng.
- Giới tính: có một số nghề có khuynh hướng phân biệt giới tính do sứ mệnh của nghề đòi hỏi phải có sức khỏe ổn định, dẻo dai,... như nghề cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nghề phi công, thợ hầm lò,... thường phù hợp với nam giới hơn.
- Ngoại hình: có những nghề do yêu cầu của nghề cần có sức khỏe đặc biệt hay cần có sự duyên dáng, dễ nhìn,... nên điều kiện ngoại hình là một yếu tố đầu tiên để được xét tuyển, như nghề lái máy bay, thợ lò,... hay nghề lễ tân, người mẫu, diễn viên,...
- Sức khỏe: có những nghề cần khả năng vận động, di chuyển cao đòi hỏi có sức bền mới hoàn thành tốt sứ mệnh của nghề, như nghề vận động viên, công an, bộ đội,... có những nghề cần khả năng hoạt động tĩnh, tập trung chú ý rất cao như thẩm phán, biên tập viên, bác sĩ ngoại khoa, kiểm toán,... nên cần biết rõ đặc điểm sức khỏe của mình để tránh ngồi nhầm chỗ, chọn nhầm nghề.
- Tính cách đặc trưng: mỗi nghề tùy theo sứ mệnh của mình sẽ đòi hỏi người lao động có tính kiên trì, tính sáng tạo, tính phối hợp hay tính độc lập,... bạn thích sự sáng tạo hãy xem xét những nghề luôn luôn cần sự đổi mới, như các nghề thiết kế, kiến trúc, nghiên cứu,... bạn là người giàu tình thương... hãy tìm hiểu những công việc của nghề giáo viên, nghề y, nghề luật,...
- Trí năng nổi trội: điều kỳ lạ khi chúng tôi đi tìm những người thành đạt trong nghề để xin hiệu đính về những họa đồ nghề, hầu hết các vị tiền bối đều lắc đầu không hiểu những họa đồ mà chúng tôi đã dày công xây dựng về nghề mà họ! Ban đầu tôi rất hoang mang, sau này tôi phát hiện ra nguyên nhân là do các bậc tiền bối chưa cập nhật được các khái niệm mới của thuyết trí thông minh đa dạng của tiến sĩ Howard Gardner thường được dùng khi nói đến việc hướng học hướng nghiệp của những năm 2000! Ví dụ như các khái niệm logic - tính toán, biểu đạt - ngôn ngữ, tự vấn - phán đoán,... phải làm rõ bản chất các khái niệm trong thuyết trí thông minh đa dạng và mối quan hệ của nó tới các môn học thì khi nói về một yếu tố quan trọng trong lựa chọn nghề là trí thông minh nổi trội, con em chúng ta mới trả lời được câu hỏi: tôi học giỏi toán, giỏi lý, giỏi ngoại ngữ,... thì tôi sẽ có cơ hội làm những nghề gì để tôi dễ dàng thành đạt sau khi tôi đã rất thích nghề đó, lại có điều kiện sức khỏe,... phù hợp. Trí năng nổi trội là năng lực nổi trội khi giải quyết một hoặc nhiều lĩnh vực nào đó của mỗi người. Ví dụ: người có trí năng nổi trội là thính giác – âm nhạc thì họ sẽ thuận lợi khi học và làm trên các lĩnh vực ngôn ngữ, âm nhạc hay lịch sử; người có trí năng vận động – không gian nổi trội thì họ sẽ thuận lợi hơn khi học về thể dục thể thao, kỹ thuật, công nghệ thông tin, hội họa,... Những trí năng này nếu có sẵn từ khi sinh ra, còn gọi là trí năng bẩm sinh thì sẽ phát triển rất mạnh mẽ và phát triển bền vững.
- Kiến thức là những hiểu biết con em, học sinh của chúng ta tích lũy được sau những tháng năm trải nghiệm, học tập tích lũy lại. Công việc nào cũng cần có những kiến thức đại cương, kiến thức chuyên ngành và kiến thức chuyên môn. Không có những bề dày kiến thức đó thì thật khó khăn để hoàn thành sứ mệnh của nghề.
- Kĩ năng là khả năng vận dụng kiến thức để hoàn thành một số lượng công việc nào đó trong một khoảng thời gian nào đó. Nếu trí năng nổi trội của mỗi người thường là do bẩm sinh hoặc di truyền quyết định thì kĩ năng hoàn toàn dựa vào việc học tập, rèn luyện nên các cụ thường nói “chăm hay không bằng tay quen”!
- Tốc độ phản ứng: chúng ta thật sự không để ý đến điều kiện tốc độ phản ứng khi chọn nghề đúng không các bạn? Có những nghề cần phản ứng rất nhanh, có những nghề lại cần phản ứng từ từ. Theo các bạn nghề cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nghề phóng viên tin tức, nghề bác sĩ ngoại khoa,... có phản ứng chậm được không? Ngược lại, những nghề như kế toán, kiểm toán, thanh tra, thẩm phán,... có phản ứng quá nhanh được không?
- Chống chỉ định của nghề là những yếu tố sức khỏe không phù hợp với nghề, có thể gây ra những điều bất hạnh cho người lao động trong quá trình hoạt động nghề nghiệp. Ví dụ: những nghề cần biểu đạt rõ ràng, mạch lạc như MC, như phóng viên, diễn giả, giáo viên,... sẽ hoàn toàn không phù hợp với người câm điếc, rất kị đối với những người nói ngọng, nói thiếu trọng tâm trọng điểm,... những nghề cần leo trèo cao như thợ sơn, thợ xây,... sẽ không chọn những người có bệnh dị ứng sơn, có bệnh tim,...
Chúng ta có quyền chọn ngành nghề và ngành nghề thông qua các yêu cầu của mình cũng sẽ lựa chọn những người lao động phù hợp để đảm bảo người lao động dễ dàng hoàn thành sứ mệnh nghề nghiệp mà xã hội ủy thác. Con em chúng ta phải xây dựng được họa đồ nghề trong quá trình tìm hiểu nghề đúng không các bạn?
Nguồn: GV Thuý Gene Vân Da nhóm DHTC
Comentários