Trong không khí tưng bừng nơi nơi chuẩn bị kỉ niệm ngày Nhà giáo, một Hội thảo nhỏ mang tên “Why become a teacher?” được tổ chức tại trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học quốc gia HN đã hấp dẫn tôi tìm đến, để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi mà tôi cũng đã ấp ủ từ lâu: Tại sao mình lại chọn lựa để trở thành giáo viên? Tại sao các bạn lại chọn lựa để trở thành giáo viên? Các bạn có từng tự hỏi bản thân điều đó?
Và buổi hội thảo diễn ra xoay quanh một bài báo – một cuộc phỏng vấn giữa một chuyên gia giáo dục (cũng có 30 năm làm giáo viên) và một giáo viên, về những lý do mà người đó đã lựa chọn để trở thành một giáo viên.
Cuộc hội thoại rất dài với các câu hỏi và trả lời lần lượt. Tôi thích cách người hỏi đặt câu hỏi và phản biện để người trả lời phải “viện đủ các lý do” (thực chất là giúp họ đào sâu về tư duy) để đưa ra được các câu trả lời. Và, nếu ai đó cứ hỏi đi hỏi lại bạn lý do “Vì sao bạn trở thành giáo viên?”, bạn sẽ trả lời họ như thế nào? (Nếu bạn muốn đọc toàn bộ cuộc đối thoại, bạn có thể search Google với các từ khóa Why become a teacher? Edwin and Phyllis).
Dưới đây là tóm tắt lại một số các câu trả lời với các cấp độ “tăng dần”:
- Trở thành giáo viên vì tôi YÊU TRẺ (có đầy người yêu trẻ, hầu hết mọi người đều yêu trẻ đấy chứ)
- Trở thành giáo viên vì tôi mong muốn chia sẻ tình yêu của tôi về môn học của mình với trẻ, muốn truyền cảm hứng để HS thấy được vẻ đẹp của môn học đó (vậy các nhà khoa học cũng yêu lĩnh vực của họ và cũng muốn truyền cảm hứng để mọi người yêu nó đấy chứ! Sao họ không trở thành GV nhỉ?)
- Trở thành GV vì muốn đóng góp tích cực cho cộng đồng, cho thế giới (cái này chắc những người đang làm các dự án thiện nguyện, những người làm chính trị gia… thì hợp hơn hẳn???)
- Trở thành GV vì mong muốn giúp trẻ trở nên TỐT HƠN so với chính bản thân chúng (hihi, bố mẹ và những người xung quanh cũng có thể làm được điều này mà!)
- Trở thành giáo viên vì muốn trang bị cho trẻ các kĩ năng và thái độ sống để giúp chúng có thể thích nghi, hòa nhập với thế giới, để có một cuộc sống thành công và hiệu quả (cũng không khác vai trò của bố mẹ phía trên là mấy!)
- Trở thành giáo viên để trở thành một “tấm gương” cho người học…(biết đâu bạn lại đang nêu “gương xấu” thì sao?)
Cứ thế, cuộc thảo luận diễn ra với một lối dẫn dắt thật thú vị. Thậm chí có những lúc, có cảm giác rằng …chẳng có một lý do đủ tốt nào để một ai đó cần phải trở thành giáo viên! (Sẽ ra sao nếu bây giờ tất cả các GV đều biến mất nhỉ? Chả biết bọn trẻ con có …sung sướng hét ầm lên hay không? Kakaka)
Và tôi ngồi đó, trong cuộc thảo luận này, vừa nghe vừa suy nghĩ, và trong lòng cảm thấy … đầy MÂU THUẪN!!!
Tôi nhìn lại cuộc đời mình ở thời điểm mình đưa ra lựa chọn vào học Đại học sư phạm, cũng như nhìn lại tất cả các trải nghiệm mà tôi đã có với hàng ngàn những sinh viên sư phạm, những giáo viên Việt Nam mà tôi từng được tiếp xúc và giảng dạy, tôi nhận thấy rằng cả tôi và hầu hết những giáo viên khác, khi đứng trước lựa chọn trở thành một giáo viên, thì gần như chúng tôi chẳng có “tí liên quan” nào đến những “lý do cao đẹp” được nêu ra ở trên. Những lý do lớn nhất có ảnh hưởng đến việc trở thành giáo viên lại thường là:
(1) Do gia đình có truyền thống làm nghề giáo nên mình cũng làm như một… ”nghề gia truyền”!
(2) Do yêu (thần tượng) hoặc bị ảnh hưởng sâu sắc bởi một người giáo viên nào đó trong những năm tháng đi học từ tiểu học đến hết THPT, nên cũng muốn trở thành một người …như họ! (Không ngoại trừ vì …ghét quá nên muốn làm GV để chứng minh điều ngược lại nhá, ặc ặc)
(3) Do hoàn cảnh gia đình, học sư phạm không phải đóng học phí, nếu học giỏi còn được học bổng để ‘’đem xiền về”.
(4) Do nghĩ đến “đầu ra”: có thể được nhà nước phân việc mà không phải mất công xin xỏ, chạy trọt (mặc dù bây giờ chuyện ấy chỉ xảy ra nếu bạn có đủ dũng cảm để lên tít tận vùng sâu vùng xa thì …may ra mới có cái khoản này)
(5) Do được ‘’nhồi sọ” từ nhỏ (đặc biệt là con gái) rằng làm GV cho nó nhàn, chỉ đến tiết mới cần đến trường, cả đời chỉ dạy đi dạy lại (đến mức học thuộc lòng) vài chục (đến vài trăm) bài giảng; còn lại thì dành thời gian chăm chồng, chăm con. Và do vậy, nếu làm GV thì cơ may kiếm được chồng giàu, chồng “đại gia” …là rất cao (kakaka…)
(6) Do bố/mẹ (hoặc một ai đó mà mình rất quý) có mơ ước làm GV nhưng không thành, thế là mình cố gắng thực hiện giúp…ước mơ của họ!
(7) ….
Còn những lý do nào khác nữa, các bạn liệt kê thêm giùm tôi nhé!
Một cách thành thật, bạn hãy thử xem mình đã chọn bao nhiêu trong số những lý do kể trên để…bước chân vào NGHIỆP GIÁO???
Còn tôi, những lý do ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định chọn nghề giáo của tôi hồi đó (mặc dù lúc đó tôi được tuyển thẳng vào trường Y) là lý do số (2) và (3)! (Thậm chí với tôi, nó còn gần như một …ĐỊNH MỆNH!!!)
Mà không chỉ có tôi, theo những gì tôi thấy hiện nay trong công tác tuyển sinh vào các trường sư phạm, thì có lẽ lý do số (3) cũng là một trong những lý do chiếm đa số. Phần lớn các em sinh viên vào trường đều xuất phát từ một vùng quê nào đó, trong một gia đình có mức sống trung bình hoặc dưới trung bình (Hiếm có HS ở phố lớn, nhà giàu mà chọn sư phạm lắm. Lớp tôi ngày xưa 81 đứa thì có duy nhất 1 đứa ở HN, còn thì toàn các tỉnh không à!)
Vậy đó, lý do để những người như chúng tôi lựa chọn để trở thành Giáo viên – một nghề được coi là “Cao quý nhất trong tất cả các nghề” – dường như lại quá đỗi “bình thường như cân đường” như vậy đó!
Thế nhưng, nghề giáo lại là một nghề …chẳng bình thường một chút nào!!! Bình thường sao được khi mà mỗi câu nói, hành động, cách cư xử, lối sống của bạn … ảnh hưởng đến bao nhiêu con người đã vô tình “qua tay” bạn! Người ta thường ví bạn là người đưa đò, bình thường sao được nếu “tính mạng” của mấy chục con người đang ngồi trên đò đều phụ thuộc hoàn toàn vào sự an toàn của con thuyền, phụ thuộc vào tay chèo, và vào …cái tâm của bạn! Mà, bạn lại làm việc đó…tới tận 40 năm, hết chuyến này qua chuyến khác! Chết! Chết! Chết! Chậc! Chậc! Chậc!
Vậy thì, vấn đề mà tôi trăn trở nhất ở đây là: Có một sự “chênh lệch” rất lớn giữa NHẬN THỨC VỀ CÔNG VIỆC và VAI TRÒ CỦA CÔNG VIỆC đó ở một người giáo viên. Sẽ ra sao nếu những người đưa đò không nhận thức được rằng TÍNH MẠNG và cả TƯƠNG LAI của tất cả các hành khách đang nằm trong tay họ? Sẽ ra sao nếu con thuyền đó không hề có phao cứu hộ, nếu người lái đò có quá ít kĩ năng chèo đò, hoặc …thích chèo đi đâu thì đi???
Và phải chăng, không thể xuất hiện ngay từ đầu trong việc quyết định lựa chọn vào nghề giáo, nhưng những gì có trong chính các câu trả lời phía trên lại chính là “phao cứu hộ”, là những điều mà một người lái đò cần hướng đến, cần trang bị cho chính bản thân mình???
Và phải chăng, thay vì dạy cho sinh viên sư phạm tiếp cận thật nhiều kiến thức và kĩ năng dạy học, các trường sư phạm nên dành nhiều nguồn lực hơn nữa để … đánh thức Ý NGHĨA và SỨ MỆNH làm “một người chèo đò” trong trái tim của các em?
Miên man suy nghĩ, tôi lại quay trở lại với cuộc đối thoại trong bài báo. Tôi chia sẻ những trải nghiệm và suy nghĩ của cá nhân mình với các chuyên gia, và chúng tôi (kể cả các tác giả của bài báo) đều thống nhất rằng: ĐIỀU QUAN TRỌNG không phải là LÝ DO VÌ SAO ta trở thành một giáo viên, mà khi đã LỰA CHỌN để trở thành Giáo viên (ta tự chọn hoặc …định mệnh đưa ta đến với nghề giáo,hehe), thì chúng ta THỰC SỰ MONG MUỐN mình sẽ trở thành một người GIÁO VIÊN NHƯ THẾ NÀO? (Vậy đáng lẽ, bài báo và buổi hội thảo này phải có tên là “How is a good teacher?” hoặc “What are the characteristics of a goog teacher?” …mới đúng chứ nhỉ? Vì tất cả các câu trả lời trên đều nói đến những việc mà một GIÁO VIÊN CHÂN CHÍNH sẽ thực hiện trong cuộc đời của họ).
Và với tôi, với chúng tôi, những người mà dù đến với nghề giáo bởi bất kì LÝ DO BAN ĐẦU nào, chúng tôi vẫn sẽ luôn nhắc nhở mình rằng: Mình mong muốn TRỞ THÀNH NGƯỜI GIÁO VIÊN như thế nào? Mình mong muốn được sống và làm việc trong bầu không khí nào? Mình mong muốn mỗi sáng khi thức giấc, mỗi bước chân đến trường mang lại cho mình cảm giác gì? Và cuối cùng, mình mong muốn để lại cho cuộc đời này điều gì sau khi mình đã trở về với hư vô? Để cuộc sống sẽ lại nối tiếp, nối tiếp và nối tiếp…
Giờ đây, sau 15 năm trải nghiệm được làm một Giáo viên, trải qua những thăng trầm và hiểu sâu hơn về nghề, để thấy được rằng khi làm Giáo viên là lúc mình có một cơ hội tuyệt vời để rèn giũa bản thân; để mỗi ngày, mình đều có động lực để trở thành “một phiên bản tốt hơn chính mình” ngày hôm qua; để trái tim nhỏ bé của mình được nới rộng thêm ra với mỗi nụ cười, ánh mắt ngây thơ và tình yêu trong trẻo của con trẻ. Tôi thật sự thấy biết ơn cuộc đời, biết ơn ĐỊNH MỆNH đã dắt tôi đến với nghề giáo.
Và, nếu như cho tôi được một lần nữa LỰA CHỌN lại, lần lựa chọn này hoàn toàn CÓ Ý THỨC (chứ không bị phụ thuộc vào một “thế lực” nào khác), tôi sẽ thành thật từ trái tim để nói rằng: TÔI MONG MUỐN NẾU ĐƯỢC SINH RA MỘT LẦN NỮA, TÔI SẼ VẪN LỰA CHỌN ĐỂ TRỞ THÀNH GIÁO VIÊN!!!
Comentários