Kim cương là một loại khoáng vật quý hiếm có cấu trúc tinh thể của carbon. Nó được tạo thành dưới áp suất và nhiệt độ cực cao, thường chỉ tìm thấy sâu dưới lòng đất. Kim cương có độ cứng rất cao và là vật liệu quý giá. Nó được coi là biểu tượng của sự sang trọng, đẳng cấp và sự bền vững.
Tuy nhiên, kim cương chỉ toả sáng rực rỡ khi được tiếp xúc với ánh sáng. Nhưng trong bóng tối hoàn toàn, nó không tỏa sáng một cách tự phát.
Học sinh cá biệt cũng như một viên kim cương trong bóng tối. Chẳng ai phát hiện ra giá trị của nó cho đến khi nó được đưa ra ánh sáng.
Đây là điều tôi học được khi tiếp xúc với rất nhiều học sinh cá biệt.
Giá trị của mỗi con người sẽ bộc lộc khi chúng ta đem ánh sáng trái tim vào soi rọi.
Một học sinh cá biệt luôn để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Em ấy là T.V.H.Long - 1 học sinh lớp 9 lưu ban và em ấy rất mong muốn được đi học lại tại ngôi trường cũ. Và điều hiển nhiên là cô Hiệu trưởng sẽ phải tiếp nhận hồ sơ của em. Một vấn đề đã xảy ra khi giáo viên chủ nhiệm được phân công vào lớp có Long đã vào phòng Hiệu trưởng phản ánh: “Tại sao chị lại đưa nó vào lớp em? Em không dạy được nó. Nó rất vô lễ, hỗn xượt…Nếu có nó trong lớp thì không có em...”
Ngay lập tức, 1 cuộc họp cho các giáo viên chủ nhiệm lớp 9 đã diễn ra chỉ với nội dung ai là người sẽ nhận bạn Long vào lớp.
Nghe có vẻ nực cười nhưng điều này chứng tỏ sự bất lực của giáo viên chúng ta trong việc giáo dục học sinh cá biệt.
Mọi người đều khuyên cô Hiệu trưởng đừng nhận bạn ấy. Cô đã trả lời: “Chúng ta không có quyền từ chối mong muốn được học tập của học sinh, kể cả đó là học sinh lưu ban, cá biệt.”
Bạn ấy bị đẩy từ lớp này qua lớp khác trong sự lắc đầu ngao ngán của các thầy cô và sự bất lực của cô Hiệu trưởng. Mọi ánh mắt đổ dồn vào tôi vì không nói gì từ đầu đến giờ. Hiệu trưởng hỏi: “Thanh đồng ý nhận bạn ấy chứ?” với ánh mắt thể hiện tia hy vọng cuối cùng. Tôi đã trả lời: “Em đồng ý nhưng cho phép em hỏi lý do vì sao các thầy cô lại từ chối bạn một cách quyết liệt như vậy?”. Những lí do nghe rất khủng khiếp được nói ra. Cao trào là có một giáo viên vì không chịu nổi những hành động hỗn xượt của Long đã ném toàn bộ cặp sách của bạn ấy từ lầu 2 xuống đất và đuổi ra khỏi lớp.
Mọi người bắt đầu cảnh báo tôi: “Em sẽ không chịu nổi nó quá 1 tuần.”, “Tại sao em gan vậy? Dám nhận nó, chị báo trước nếu chị dạy lớp em thì nó sẽ không yên với chị đâu.”…
Nghe cay đắng quá phải không ạ? Nếu đặt mình trong hoàn cánh của bạn Long mọi người còn dám đi học nữa không?
Tôi không phải là can đảm hay giỏi giang gì. Nhưng tôi dám nhận bạn ấy vì tôi cũng từng là một người cá biệt khi vào độ tuổi của bạn ấy. Ba mẹ li hôn khi tôi học lớp 6. Đến năm lớp 9, mẹ quay về nhà tưởng rằng gia đình đã được hàn gắn, mình sẽ được hạnh phúc. Nhưng không, chỉ 3 ngày sau, mẹ tôi bỏ đi và đem hết toàn bộ những gì có trong nhà kể cả gạo và đứa em trai học lớp 7. Khi nhìn ngôi nhà “vườn không nhà trống”, lòng tôi đầy căm phẫn và tôi cũng biết sự căm hận đó ở ba tôi lớn đến mức nào. Ông cạo trọc đầu và cầm dao đòi đi giết mẹ. Lúc đó với suy nghĩ của một đứa trẻ 15 tuổi, tôi không sợ mẹ chết nhưng tôi sợ ba phải vào tù và tôi sẽ mất đi chỗ dựa cuối cùng trong cuộc đời. Tôi đã đưa ra một quyết định hết sức liều lĩnh là bỏ nhà đi bụi cho đến khi ông thay đổi suy nghĩ. Và tôi đi thật, tôi lang thang khắp nơi không một xu dính túi với cái bụng đói cồn cào. Bước chân lên cầu Chà Và và nhìn xuống dòng nước đen ngòm của kênh Tàu Hủ. Tôi chợt có một suy nghĩ dại dột là “Có nên kết thúc cuộc đời mình ở đây không?”. Thật may mắn là tôi đã không làm điều đó, Vì tôi nghĩ, cũng như tôi, ba sẽ coi tôi là chỗ dựa cuối cùng trên cuộc đời này. Nên tôi phải tiếp tục sống bằng bất kì lý do gì. Tôi lê bước đến nhà 1 người bạn thân có cái tên rất đẹp - Thạch Thảo – vào lúc hơn 1h sáng. Cả gia đình bạn đã chào đón và cưu mang tôi trong suốt giai đoạn khó khăn. Và đây cũng là lý do tôi yêu loài hoa mang tên Thạch Thảo.
Tôi không về nhà bao nhiêu ngày thì cũng bấy nhiêu đó thời gian tôi nhìn thấy bóng dáng ba tôi sáng chiều đứng trước cổng trường đợi tôi đi học và tan học. Tôi đã khóc khi thấy ông già đi rất nhiều. Nhưng vì mong muốn sự thay đổi ở ba và bảo vệ chỗ dựa cuối cùng của mình, tôi đã lẫn tránh ông suốt hơn 1 tháng. Mỗi ngày, mẹ Thạch Thảo và bạn ấy đều khuyên tôi quay về và không được bỏ nhà đi bụi nữa. Cô ấy cũng đã tìm gặp ba tôi và nói nguyên nhân vì sao tôi bỏ nhà đi. Sau lời hứa của ba sẽ không làm gì dại dột và từ giờ 2 cha con mình sẽ dựa dẫm vào nhau để sống. Tôi đã oà khóc và hạnh phúc vì như được sống lại lần thứ 2.
Tôi không ngại kể về câu chuyện của mình và cũng biết ơn tất cả những người đã giúp tôi trở thành người như hôm nay.
Câu chuyện của tôi chính là động lực cho các bạn học sinh cá biệt trong lớp tôi giảng dạy. Khi tôi tiếp nhận bạn Long vào lớp, tôi đã có 1 buổi nói chuyện riêng với bạn. Tôi hỏi: “Bạn có biết tại sao bạn có mặt trong lớp của cô chứ không phải lớp theo danh sách ban đầu không?”. Bạn ấy cũng ngạc nhiên và muốn biết lý do. Tôi cũng đã hỏi bạn sẵn sàng tiếp nhận sự thật cho dù nó có phũ phàng đến đâu hay không. Trước sự quyết tâm của bạn ấy, tôi đã nói toàn bộ lý do vì sao bạn ấy không được thầy cô đón nhận. Bạn ấy cúi mặt im lặng, không nói gì. Tôi nói tiếp: “Cô cũng không phải là người giỏi giang gì, cô cũng từng rất cá biệt, cô cũng rất nóng tính. Cô sẵn sàng phản ứng lại những điều mình cho là không đúng, những điều oan ức xảy ra với mình. Cô biết bạn cũng vậy. Nhưng vì sự thay đổi của bạn cô cũng sẽ sẵn sàng thay đổi. Chúng ta cùng lập một cam kết được không? Nếu bạn hứa quyết tâm thực hiện nó, cô sẽ nói và chúng ta cùng làm. Còn nếu bây giờ bạn từ chối, không có bản lĩnh để thực hiện thì câu chuyện sẽ kết thúc tại đây và bạn sẽ phải sống cuộc đời mà do bạn quyết định từ thời điểm này”. Bạn ấy suy nghĩ, đắn đo rồi quyết định chấp nhận cam kết với tôi mà không cần biết tôi sắp nói gì. “Cô không cần bạn làm bất kì điều gì khó khăn nhưng lời cô sắp nói ra đây cô biết để thực hiện nó không phải điều dễ dàng với bạn nhưng cô sẽ có giải pháp để hỗ trợ bạn. Bạn chỉ cần làm một việc là khi nghe bất kì lời chỉ trích, phê phán, thậm chí mắng chửi xúc phạm đến danh dự của bạn thì bạn chỉ cần im lặng có thể cắn chặt môi, nắm chặt tay vào bàn nhưng không được nói lại bất kì lời nào. Bạn làm được không?”. “Em sợ không chịu đựng được”. “Bạn sẽ làm được vì cô sẽ là người lắng nghe tất cả những uất ức của bạn. Sau khi phải chịu những lời chỉ trích đó hãy đến tìm cô, nói ra hết những gì bạn muốn nói, thậm chí có thể dùng từ ngữ nặng nề miễn sao nó giúp bạn giải toả. Cô sẽ lắng nghe tất cả vì bản thân cô cũng muốn thay đổi. Cô muốn trở thành người lắng nghe chứ không phải là người chỉ biết phản ứng. Và cô cũng nhắc nhở bạn, đây là cơ hội cuối cùng cho bạn vì nếu bất kì hành động hay lời nói nào của bạn bộc phát trong lúc tức giận sẽ gây ra hậu quả mà chính bạn là người phải gánh chịu”.
Thế là sau khi suy nghĩ, lời cam kết của 2 cô trò được thiết lập. Nhìn bạn ấy ngày ngày chịu đựng những lời nói cay nghiệt trong suốt các tiết học, bản thân tôi cũng không thể chịu nổi. Tôi đã đến tìm từng giáo viên bộ môn nhờ họ hỗ trợ: “Nếu bạn ấy không làm gì ảnh hưởng đến lớp học hay thầy cô thì nhờ thầy cô bao dung quên đi những gì bạn ấy đã làm đừng nhắc trước lớp những điều đó nữa. Em cũng như bạn Long sẽ rất biết ơn tấm lòng bao dung này của các thầy cô”.
Thật may mắn, những lời nói cay nghiệt giảm dần từng ngày vì chẳng ai có thể cay nghiệt với một người chỉ biết im lặng chịu đựng như vậy. Khi thoát ra được, bạn ấy như con rồng thoải mái bay lượn đúng cái tên của mình. “Đại ca” Long của toàn trường trở thành lớp trưởng ngầm của cô Thanh, bạn ấy thông báo khắp trường là không ai được đụng đến cô Thanh của bạn. Nếu làm cô buồn bạn ấy sẽ xử đẹp. Cô nghe mà hết hồn, nhắc bạn “Hãy cá biệt một cách đặc biệt, đừng cá biệt để thành riêng biệt. Các em ấy nể bạn vì bạn lớn tuổi hơn và có thể bạn mạnh hơn khi các em ấy đứng một mình. Nhưng một mình bạn sẽ không thể chống lại khi các em ấy đoàn kết. Vì không ai trên đời này dám khẳng định mình là người mạnh nhất”.
Từ đó, bạn ấy đã tham gia tất cả những hoạt động mà tôi tổ chức cho lớp cũng như cho trường. Là đầu tàu chỉ huy các hoạt động ấy, dưới sự chỉ đạo của bạn ấy mọi việc được diễn ra nhanh chóng trong sự vừa nể, vừa sợ của các bạn khác. Long như trở thành một con người khác đến mức mà các thầy cô toàn trường đều kinh ngạc trước sự nổ lực của bạn. Quả ngọt đã đến với bạn ấy khi cuối năm bạn đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến sau bao nhiêu năm chỉ biết đến Trung bình hoặc Yếu. Sau khi ra trường, bạn ấy vẫn thường xuyên thông báo cho tôi về những nổ lực và thành công của bạn ấy.
Biết ơn Long vì có những học sinh như bạn, tôi mới phát hiện ra rằng các bạn chính là những “Viên kim cương trong bóng tối”. Tôi sẽ luôn nhắc nhở bản thân mình phải hỗ trợ tất cả các học sinh - đặc biệt là học sinh cá biệt – đem ánh sáng tràn ngập khắp nơi để cho các bạn được toả sáng.
Bài viết này như một thông điệp muốn gửi đến tất cả quý thầy cô “Hãy xem học sinh cá biệt như một viên kim cương trong bóng tối, nó rất cần ánh sáng soi đường của tất cả chúng ta để được toả sáng một ngày không xa”.
Những gì tôi làm trước giờ chỉ là những bộc phát cá nhân. Nhưng sau khi đến với Người truyền lửa, tôi biết được tôi đang hành động theo nguyên lí nào và con đường đi như thế cho đúng. Biết ơn cô Trần Khánh Ngọc, cô Nguyễn Huế và tất cả thầy cô trong người truyền lửa đã truyền cảm hứng để tôi dám nói lên câu chuyện đời, câu chuyện nghề của chính tôi.
“BIẾT ƠN ĐỜI MỖI SỚM MAI THỨC DẬY
TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG”.
HASTAG T4
# Kính mời quý thầy cô tham gia group Facebook cộng đồng DHTC có nhiều bài giảng hay https://www.facebook.com/groups/dayhoctichcuc
Commentaires