top of page
Ảnh của tác giảAdmin DHTC

Tại Sao Hoạt Động Trải Nghiệm Quan Trọng Trong Học Tập và Phát Triển Cá Nhân?

Đã cập nhật: 11 thg 11


Hôm qua, dưới bài đăng về hoạt động trải nghiệm, mình nhận được comment của một thầy giáo, đại ý trong chương trình của Bộ, hoạt động trải nghiệm toàn là rửa bát, quét nhà. Câu nói khiến mình suy nghĩ mãi và quyết định viết bài này. Ở đây mình sẽ không bàn về chương trình của Bộ thì như thế nào, chỉ xin chia sẻ một vài điều từ góc nhìn cá nhân:


1. Trước hết, người hướng dẫn (Facilitator/Faci) cần làm rõ khái niệm "Trải nghiệm" mà mình chọn sử dụng khi làm việc. Khi điều này chưa được làm rõ thì đương nhiên sẽ có những tranh cãi không cần thiết. Một số người nghĩ rằng trải nghiệm là phải đi ra ngoài, kiểu như thăm các khu phố, các nhà máy, các nông trại, các làng nghề, các danh lam thắng cảnh nước trong, nước ngoài. Một số người cho rằng trải nghiệm phải là những điều gì độc đáo, thú vị, khác lạ so với thường ngày. Còn với mình, trải nghiệm có thể kéo dài trong 1/2 giây như là một mùi hương thoáng qua, có thể kéo dài vài tiếng như một cuộc họp hoặc vài năm như một mối quan hệ, tóm lại, nó LÀ TẤT CẢ NHỮNG GÌ CHÚNG TA TRẢI QUA TRONG TỪNG KHOẢNH KHẮC. Hết!

(Như thế thì rửa bát, quét nhà, ghé thăm viện bảo tàng, hôn người yêu, đọc sách, cắt móng tay, thao giảng, to tiếng với đồng nghiệp, ngồi yên, v.v. đều là những trải nghiệm, không có sự phân biệt.)



2. Thứ hai, là một người hướng dẫn thực hành, khi nói đến hoạt động trải nghiệm ta có quyền ngầm hiểu rằng hoạt động đó, dù có cấu trúc hay phi cấu trúc, đều phải ĐƯỢC THIẾT KẾ, nghĩa là có chủ định, có ý đồ. Như vậy, hoạt động trải nghiệm ban đầu được quyết định bởi người thiết kế: chủ ý, mục đích thiết kế là gì? Nó khuyến khích sự tự do đến đâu? Trong quá trình thực hiện người hướng dẫn có thể thả lỏng để hòa vào và tôn trọng dòng chảy (flow) hay phải nhất nhất làm theo kịch bản, v.v. Ngay cả khi người tham gia cảm thấy "Ồ, tuyệt quá, tôi làm tất cả mọi điều mình muốn mà không hề có bất cứ sự áp đặt hay khuôn mẫu nào, tôi thấy tôi tự do, tôi được là chính mình!" thì điều đó có thể cũng đã nằm trong thiết kế rồi. Và người thiết kế dựa trên kinh nghiệm, chuyên môn của mình hoàn toàn có quyền lựa chọn cách tiếp cận và hoạt động trải nghiệm. Dù đó có là trải nghiệm rửa bát, quét nhà thôi nhưng người tham gia thấy vui, thấy thư giãn, thấy ngộ ra được những điều mới, thấy bật ra trong lòng mình những câu hỏi để tiếp tục chiêm nghiệm, suy ngẫm về bản thân, về mối quan hệ, về cuộc sống, hoặc chỉ đơn giản là có cơ hội rèn luyện một kỹ năng mới, v.v. thì thế là ok rồi chứ còn gì?



3. Thứ ba, hoạt động trải nghiệm một mặt đã được thiết kế nhưng mặt khác sẽ luôn phụ thuộc rất nhiều vào NGƯỜI THAM GIA, vào khả năng quan sát (quan sát không suy diễn), mức độ sẵn sàng, sự cởi mở đón nhận điều mới, khả năng liên tưởng, liên kết các sự vật - hiện tượng, khả năng biểu đạt, kinh nghiệm, vốn sống, phông văn hóa, v.v. của họ. Vì thế, cùng một hoạt động trải nghiệm mà mỗi người tham gia sẽ có những cảm nhận, chiêm nghiệm và bài học khác nhau. Thậm chí, đôi khi một trải nghiệm có thể làm gợi lại ở ai đó những tổn thương trong quá khứ xa xưa mà bản thân họ cũng chẳng ý thức được, vết thương này khiến họ cảm thấy khó chịu, sợ hãi và ngăn cản họ trải nghiệm, đón nhận những điều mới. Những ngày đầu mới chập chững học việc art-based facilitator, cảm xúc của mình bị phụ thuộc rất nhiều vào sự hài lòng của người tham gia và mức độ “thành công” của mỗi workshop. Mình sẽ rất đau khổ nếu có vài bạn học viên nào đó tỏ ra không thích hoạt động mình thiết kế hoặc không chạm đến những “cảnh giới” tuyệt vời khi trải nghiệm như những học viên khác. Giờ nhớ lại chỉ thấy buồn cười với chính mình vì cái sự ngốc nghếch khờ dại và đầy cái tôi ấy.


4. Cuối cùng, một trải nghiệm không thể trở thành HỌC QUA TRẢI NGHIỆM nếu thiếu công đoạn chiêm nghiệm (reflection), một số người thích chơi chữ thì gọi là chỉ có “trải” mà không có “nghiệm”. Mình thì thích cách diễn đạt của John Dewey hơn: “Chúng ta không học từ trải nghiệm, mà từ sự chiêm nghiệm về trải nghiệm”. Mình đã viết một số bài về thế nào là chiêm nghiệm nên sẽ không đề cập sâu ở đây, nhưng mình hoàn toàn đồng ý với triết gia, nhà cải cách giáo dục John Dewey, chúng ta sẽ học được rất ít từ trải nghiệm của mình nếu không có sự chiêm nghiệm. Mình quan sát thấy nhiều người mình gặp thiếu hẳn kỹ năng này, khi chiêm nghiệm về một điều gì đó, theo thói quen họ thường chỉ dừng lại ở việc phát biểu cảm tưởng, thậm chí họ còn không chia sẻ điều gì khác ngoài 2 chữ “bình thường” (được sử dụng thay thế cho nhiều cảm xúc). Nói đến chiêm nghiệm thì không thể không nhắc đến câu hỏi và kỹ năng đặt câu hỏi, cũng như kỹ năng quan sát mà không suy diễn. Nhưng bài viết này đã rất dài rồi, xin hẹn mọi người ở một bài khác nhé.


Nguồn: Cô Lạc Thư

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


Các sự kiện sắp diễn ra

[QUẢNG NINH] VẬN DỤNG PP TÍCH CỰC TRONG DẠY HỌC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HS

Thời gian

14-15/12/2024

Địa điểm

Quảng Ninh

[TP HCM] VẬN DỤNG PP TÍCH CỰC TRONG DẠY HỌC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HS

Thời gian

4-5/01/2025

Địa điểm

TP. HCM

[HÀ NỘI] VẬN DỤNG PP TÍCH CỰC TRONG DẠY HỌC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HS

Thời gian

11-12/01/2025

Địa điểm

Hà Nội

z3510360964319_a65f962c7330cf1c33812df1a75e1197.jpg

Người truyền lửa K8

Tiết kiệm 5-15 năm kinh nghiệm Dạy học & Quản lý lớp học

bottom of page