top of page

Nghề thầy - mục đích của giáo dục?

Ảnh của tác giả: Admin DHTCAdmin DHTC

 


Là một giáo viên, khi thực hiện việc dạy học, bạn có từng tự hỏi: Mục đích của việc dạy học này là gì? HS học môn học của mình để làm gì? Vai trò của mình, của môn mình trong cuộc đời các em phải chăng chỉ là để có thêm một chút kiến thức, hay để vượt qua kì thi nào đó, đạt được điểm số theo yêu cầu để vào được trường nọ, trường kia?...


Và … HẾT! Anh đỗ, tôi hoàn thành nhiệm vụ! HS vui, Phụ huynh vui, và mình cũng vui. Phải chăng mục đích của giáo dục, của dạy học chỉ là để đạt được những cái “vui” như thế?


 Bàn về MỤC ĐÍCH CỦA GIÁO DỤC, trong NGHỀ THẦY, cụ Hoàng Đạo Thúy viết:

“Mục đích của chúng ta là đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây dựng được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất.

Trong một độ khá lâu, người ta đã chỉ trọng có mỗi một việc học, nói rằng: “Đi nhà trường, để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm thì đủ thứ sung sướng”. Vì hiểu như vậy mà làm sai lạc cả mục đích của việc giáo dục. Thu hẹp việc giáo dục vào một chỗ học để kiếm tiền thôi, thì thiếu thốn quá. Đã hướng cả công trình giáo dục vào một việc tầm thường thì chỉ bổ cho một lòng dục, lòng dục ấy sẽ phát rộng và mạnh ra, lại thêm không có sức đạo đức ngăn cản, thì nguy lắm.”


 Bạn nghĩ sao về những lời trên? Bạn có thấy tình trạng mà cụ phản ánh vẫn tiếp diễn cho đến bây giờ? Bạn có biết đến những câu chuyện, những “tấm gương” dù học hành rất giỏi, làm Giám đốc nọ kia, nhưng chỉ vì lợi nhuận mà sẵn sàng làm những việc phi pháp, thậm chí còn gây ra nguy hại cho biết bao người sử dụng những sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp? gây nguy hại và hủy hoại lâu dài đến môi trường, đến tự nhiên? Bạn có biết đến Hitler – một người cực giỏi nhưng lại gây ra biết bao đau thương cho nhân loại?


 Mình nhìn thấy trong những câu nói của cụ bóng dáng của Tu thân – Tề gia – Trị quốc – Bình thiên hạ. Dù đam mê, khát khao có lớn đến đâu, thì đều bắt đầu từ những việc nhỏ nhất là Rèn luyện chính bản thân mình để “nên người”, rồi đến hòa hợp, gắn kết với những người trong gia đình mình để “nên người có hiếu”, rồi mới đến giúp ích cho đất nước mình, và rộng hơn nữa là hòa hợp với cộng đồng chung, với thế giới.


Và theo cách hiểu của mình, “biết đạo người” là biết sống an vui, hòa hợp, không gây tổn hại đến chính mình; là hiểu mình và có lòng bao dung, yêu thương với chính bản thân mình. Từ đó, bạn mới có thể tôn trọng, mới có thể sống an vui, hòa hợp và không làm tổn hại đến mọi người, đến tự nhiên. Từ Hiểu Mình mới có thể Hiểu Người, mới có thể Hiểu Lẽ Trời và sống hòa hợp với đạo người, với lẽ trời đất.


Trong những hội thảo mình nói chuyện với Phụ huynh, mình cũng thường đặt ra câu hỏi cho các bố mẹ là: Nếu có 2 cột điểm là ĐIỂM NGƯỜI và ĐIỂM HỌC – Bao nhiêu anh/chị tin rằng một đứa trẻ hoàn toàn bình thường, đạt điểm 5 trong cột ĐIỂM NGƯỜI, thì ít nhất nó cũng có thể đạt điểm 5 trong cột ĐIỂM HỌC. Nhưng một đứa trẻ đạt điểm 9,10 trong cột ĐIỂM HỌC, thì chưa chắc đã đạt đến điểm 3 trong cột ĐIỂM NGƯỜI?


Bạn có nhận thấy tương quan gì đang thể hiện ở đây? Và với tư cách là Cha mẹ, là thầy cô, bạn sẽ chọn CỘT nào để vun bồi trước hết cho vững mạnh với con cái/HS của bạn?

 Và trong NGHỀ THẦY, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy tiếp tục gợi ý cho chúng ta có thể tập trung bồi đắp 5 yếu tố vô cùng quan trọng cho con cái, cho học sinh của mình. Đó là Đức – Chí – Thể – Trí – Công!

 Đức nghĩa là Đạo đức, là cái Tâm thiện lành, hướng thiện, là điều cần vun bồi đầu tiên cho đứa trẻ để nó biết yêu mình, yêu người và sống hợp đạo người, hợp lẽ trời đất.

 Chí là ý chí kiên cường, dũng cảm, bền gan, nghị lực để tập cho Thể mạnh, cho Trí mở, để đi theo con đường mà Đức vạch ra.

 Thể là việc gìn giữ, tập luyện cho cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai. Có sức khỏe mới có thể thực hiện những điều mình mong muốn, mới giúp đỡ được cho gia đình, xã hội.

 Trí là tư duy, là Trí tuệ, là việc học hành cho mở mang đầu óc, rèn luyện tư duy sắc xảo, nhạy bén để phản ứng linh hoạt với các vấn đề. Trí không chỉ là việc học kiến thức, kiến thức chỉ là cái vỏ, cái nền tảng ban đầu. Trí tuệ lớn nhất mà mỗi người vẫn luôn trên hành trình học hỏi mỗi ngày là Học để quay về hiểu được bản tân mình, hiểu được đạo lý, hiểu được các quy luật của vụ trũ (lẽ trời), để từ đó có thể sống hòa hợp với các quy luật ấy.

 Công là công việc, là lao động, là luyện tập, thực hành sao cho thành thạo, là trăm hay không bằng tay quen, rèn luyện các thao tác, các kĩ năng cần thiết cho công việc của mình. Chính “Công” sẽ biến những thứ “Trí” nghĩ ra thành các sản phẩm, thành hiện thực để giúp ích cho xã hội.


 Tập trung làm tốt 5 yếu tố này, bố mẹ và thầy cô sẽ góp phần tạo nên những con người vững vàng, khỏe mạnh, những công dân tốt cho xã hội. Bạn có đồng ý vậy không?

 Và bạn có tìm thấy mối liên hệ nào giữa 5 yếu tố này với định hướng dạy học phát triển phẩm chất và năng lực mà Bộ Giáo Dục đang thực hiện? Bạn có nhận thấy “Phẩm chất” chính là yếu tố Đức, còn "Năng lực" (bao gồm các năng lực cốt lõi và năng lực đặc thù) chính là thể hiện cho cả 04 yếu tố còn lại? Đố bạn tìm cụ thể được các năng lực tương ứng với mỗi yếu tố đó đấy! Hãy thử làm để mình hiểu vấn đề một cách sâu sắc hơn, bạn nhé!


Hi vọng bài viết này có thể giúp bạn có thêm một cái nhìn RÕ RÀNG và MẠCH LẠC hơn về Mục đích của giáo dục, từ đó bạn có thể định hướng tốt hơn cho công việc của mình.

Yêu bạn!



913 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


Các sự kiện sắp diễn ra

[TP. HCM] SỨ MỆNH NGƯỜI THẦY - GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM

Thời gian

29&30/3/2025

Địa điểm

TP. HCM

[HÀ NỘI] VẬN DỤNG PP TÍCH CỰC TRONG DẠY HỌC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HS

Thời gian

30/4&1/5/2025

Địa điểm

Hà Nội

[HẢI PHÒNG] VẬN DỤNG PP TÍCH CỰC TRONG DẠY HỌC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HS

Thời gian

12&13/7/2025

Địa điểm

Hải Phòng

z3510360964319_a65f962c7330cf1c33812df1a75e1197.jpg

Người truyền lửa K8

Tiết kiệm 5-15 năm kinh nghiệm Dạy học & Quản lý lớp học

bottom of page