Khởi đầu cho những buổi làm việc đầu tiên của năm Tân Sửu, mình chọn đọc lại cuốn sách NGHỀ THẦY của cụ Hoàng Đạo Thúy – Một cuốn sách nhỏ nhắn và mỏng, chỉ vỏn vẹn 147 trang, nhưng lại ẩn chứa những triết lý, những lời giải đáp cho nhiều vấn đề bức bối hiện nay trong giáo dục. Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên cách đây hơn 70 năm, nhưng những điều được viết trong sách cho đến thời điểm hiện tại “vẫn còn nguyên giá trị”.
Và ngay trong những trang đầu tiên của cuốn sách – trong bức thư gửi đến những người đang làm giáo dục, đang làm “nghề thầy”, có đoạn đã chạm thẳng vào trái tim mình:
“… Bước vào Giáo giới là chúng ta đã có mục đích: không phải đi làm để kiếm ăn thôi, không phải chỉ đi làm công. Chúng ta “làm thầy”.
… Chúng ta không phàn nàn vì người ta bạc đãi, hãy xét mình đã: Mình đã nhìn rõ công việc mình và để cả tâm trí, thân thể vào đó chưa? Mình đã biết nghề thầy và cố gắng cho xứng với nghề ấy chưa?”
Hai câu hỏi lớn được cụ đặt ra để mọi người cùng suy ngẫm: (1) Mình đã nhìn rõ công việc mình và để cả tâm trí, thân thể vào đó chưa? (2) Mình đã biết nghề thầy và cố gắng cho xứng với nghề ấy chưa?
Với câu số 1, cụ khuyến khích mọi người tự suy ngẫm và đánh giá chính bản thân mình, bởi chỉ bạn mới biết bạn như nào là rõ nhất. Với câu số 2, cụ lần lượt bàn đến “nghề thầy” với rất nhiều các khía cạnh sâu sắc trong cuốn sách mỏng ấy.
Và mình muốn dừng lại ở đây để suy ngẫm về câu hỏi số 1 của cụ: (1) Mình đã nhìn rõ công việc mình và để cả tâm trí, thân thể vào đó chưa?
Câu hỏi này không chỉ để hỏi cho những người đang làm nghề thầy, mà có thể với bất kì nghề nghiệp nào, với bất kì công việc hay hoạt động nào chúng ta đang làm. Khi làm việc đó, mình đang làm nó “cho ai”? Mình đã để hết tâm trí, thân thể của mình vào đó hay không?
Khi suy ngẫm lại những thời gian và công việc đã qua, mình thật sự thấy biết ơn bản thân vì nhận ra rằng: Trong hầu hết những việc mình làm, mình đã làm nó cho Chính Mình, và gần như luôn đặt hết tâm trí và thân thể của mình vào mỗi công việc đó.
Nhớ hồi còn là Giảng viên của trường Đại học sư phạm Hà Nội, mình đã luôn có mặt tại khoa vào lúc 7h15 mỗi ngày (hoặc sớm hơn). Mình đã phải “xin riêng” một chiếc chìa khóa để mở cổng khoa vì hầu như luôn là người đến sớm nhất, dù công việc làm giảng viên không bắt buộc mình phải có mặt tại trường thường xuyên, chỉ cần có tiết thì đến dạy hoặc nếu hướng dẫn sinh viên thì có mặt để hướng dẫn, còn lại bạn có thể làm việc tại nhà hoặc bất cứ ở chỗ nào bạn muốn. Nhưng với mình, khoảng thời gian được ngồi vào chiếc bàn học kê trong cái phòng kho nhỏ đó là một trong những khoảng thời gian thật hạnh phúc trong cuộc đời. Mình đã ở đó và đọc sách, nghiên cứu sách về phương pháp dạy học, nghiên cứu các quy luật hoạt động và học tập của não bộ để trả lời câu hỏi con người đã thực sự học tập như thế nào? nghiên cứu các cuốn sách giáo khoa của các nước để xem cách viết, cách tổ chức dạy học của họ khác của nước mình ra sao?… và bao nhiêu điều thú vị khác nữa. Một ngày trôi qua thật nhanh và mình thường đóng cửa phòng để về vào lúc 17h30 – cũng hầu như là người rời khỏi khoa muộn nhất.
Và mình vẫn nhớ rất rõ cái cảm giác lâng lâng khi bước chân trên đường về. Lâng lâng vì vui, vì hạnh phúc bởi hôm nay lại khám phá thêm được nhiều điều mới mẻ, lại học được một điều gì đó thú vị, lại trở thành một "phiên bản mới" hơn của bản thân mình so với ngày hôm qua. Nhất là những lúc soạn được một giáo án hay, nghĩ được một cách tổ chức hoạt động mới cho sinh viên, thì chỉ cần hình dung ra việc mình sẽ “quay” “tụi nó” như thế nào khi lên lớp, “tụi nó” sẽ hào hứng ra sao, cảm thấy ngạc nhiên và thú vị thế nào với bài giảng của mình … là đã có thể làm mình … cười suốt trên cả đoạn đường lên đến giảng đường. Thậm chí có lúc bác trông xe ở giảng đường A2 còn bật lên câu hỏi: “Cô có chuyện gì vui mà cứ tủm tỉm cười một mình như thế???”.
Đến giờ khi nhớ lại, cảm giác lâng lâng ấy lại tràn ngập trong lòng mình. May mà hồi đó đi xe máy đến trường thì luôn đeo khẩu trang, chứ không mọi người xung quanh sẽ lại giống bác trông xe, chắc lại tưởng mình thuộc kiểu “nhặt lá, đá ống bơ” vì cứ … toe toét cười một mình suốt thế!
Khi làm tất cả những điều đó, mình tận hưởng trọn vẹn niềm vui của công việc, của việc học tập mà không quá chú trọng đến việc mình được trả bao nhiêu tiền cho tất cả những thứ đó. Lương của mình vẫn thế (2 – 3 triệu/tháng gì đó) dù mình có đến khoa từ 7h15 hay không. Và mình vẫn nhớ những buổi tối đi xe hơn 10 km để dạy gia sư kiếm thêm thu nhập, hoặc thức đến 2 – 3 giờ sáng để soạn bài khi dạy cho các em HS của trường Chuyên ĐHSP. Vất vả thật đấy, thu nhập ít ỏi thật đấy, nhưng không hiểu sao trong mình lúc đó luôn tràn ngập một niềm vui!
Và sau này, khi mình “lớn dần hơn”, có nhiều điều kiện để đọc thêm nhiều sách về phát triển bản thân, về tâm linh hơn, mình mới hiểu NIỀM VUI đó của mình là gì và tại sao lại có nó. Nó có mặt bởi vì mình có mặt, mình đã đặt sự chú tâm của mình vào công việc, đặt cả phần tâm trí và thân thể của mình vào đó. Chính sự toàn tâm này đã cho phép mình tận hưởng được NIỀM VUI trong công việc ở thời điểm đó; và không những thế, nó còn cho phép mình vun bồi NỘI LỰC – bồi đắp những phẩm chất “ở bên trong” mà không có tiền bạc nào có thể mua được. Chính những phẩm chất đó, phần NỘI LỰC đó đã cho mình gặt hái được những kết quả của ngày hôm nay. Và mình đã thấm, đã hiểu một nguyên lý sâu sắc: Những gì bạn có “ở bên trong” sẽ quyết định những điều bạn nhận được “ở bên ngoài”! Luôn thế!
Một cái cây không thể tự nhiên mà lớn lên, mà phát triển cứng cáp. Nó cần một thời gian tích lũy rất lâu từ một hạt mầm. Nó cần trải qua rất nhiều khó khăn (và đôi khi cả đau đớn nữa) để dám tách vỏ vươn lên làm một mầm cây, rồi hấp thụ nắng gió để tiếp tục vươn mình lên mãi. Nên quay trở lại với câu nói của cụ Hoàng Đạo Thúy: “Chúng ta không phàn nàn vì người ta bạc đãi, hãy xét mình đã: Mình đã nhìn rõ công việc mình và để cả tâm trí, thân thể vào đó chưa?”.
Hãy nhìn rõ và để tâm trí, thân thể của bạn vào đó. Mình tin rằng dù có thể lương của bạn chưa tăng, nhưng niềm vui bạn có được từ công việc của mình sẽ khiến bạn thấy cuộc sống này còn rất nhiều điều thú vị nữa, thật đấy!!!
Chúc bạn luôn chạm được đến niềm vui trong mỗi việc bạn đang làm nhé, nhé!
Comments