Tôi là một giáo viên dạy môn Sinh học, một môn học không được coi là môn chính ở các trường phổ thông, cũng không phải là lựa chọn hàng đầu khi các bạn HS thi đại học.
Tại sao ngay từ đầu, tôi đã phải giới thiệu ngay tôi là một giáo viên Sinh học? Bởi cả hai điều đó: Giáo viên và Sinh học, ban đầu, đều không phải là những lựa chọn của tôi. Nhưng rồi số phận đã lần lượt đưa tôi đến với những cụm từ này, đầu tiên là môn Sinh, sau đó là nghề giáo.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, bố mẹ đều là công nhân với đồng lương ít ỏi. Hồi nhỏ, tôi là một đứa trẻ rất nghịch ngợm, và toàn chơi những trò của con trai (chơi bi, chơi quay, leo trèo…đủ cả). Sách (gọi thế cho lịch sự) duy nhất tôi đọc hồi ấy là truyện chưởng – hàng bộ – và “ước mơ cháy bỏng” là, vào một ngày đẹp trời nào đó, có một “quái nhân” đi ngang qua, bắt tôi vào một nơi thâm sâu cùng cốc nào đấy để truyền cho các “bí kíp võ công”. Và ước mơ ấy đã để lại trên chân tay tôi khá nhiều các … vết sẹo.
Nhưng, khi vào đầu cấp 2, tôi bắt đầu thích học văn. Lí do chính mà tôi thích học văn là vì tôi…yêu cô giáo, một cô giáo dạy tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ mà tôi học thêm vào buổi tối. Hồi ấy tôi học lớp 7, còn cô 26 tuổi. Cô dạy chúng tôi tiếng Anh, nhưng ngày xưa lại là dân chuyên văn, nên cô đọc rất nhiều, và có những quyển sổ thơ chép tay dày cộp. Vậy là từ đó, thay vì đọc truyện chưởng, tôi bắt đầu đọc sang các thể loại “nghiêm chỉnh” khác: văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, những cuốn nổi tiếng như “Không gia đình”, “Cuốn theo chiều gió”, “Những người khốn khổ”…, rồi thì “Tam quốc”, “Thuỷ Hử”, “Đông chu”… đủ thứ. Tôi đọc, đầu tiên chỉ với một lí do đơn giản, là để có đủ “tự tin” và “nền kiến thức” khi “nói chuyện” với cô. Nhưng rồi, khi thời gian càng trôi đi, khi tôi càng trưởng thành hơn, tôi chợt nhận ra rằng mình không còn học và đọc “vì cô” nữa. Không biết từ lúc nào, nó đã trở thành một niềm yêu thích của tôi mất rồi. Và cũng từ ấy, tôi biết đến sức mạnh biểu đạt của thơ và nhạc!
Kể lể dài dòng về môn Văn, có lẽ sẽ là lạc đề, nhưng cũng chính cái sự “yêu cô giáo” ấy lại dẫn tôi đến với một môn học nữa, là môn Sinh học. Khi vào lớp 9, tôi lại một lần nữa…yêu cô giáo dạy Sinh. Cô bằng tuổi mẹ tôi, không lập gia đình vì người yêu của cô hi sinh tại chiến trường Miền Nam năm 1972. Cô ở một mình trong trong một ngôi nhà nhỏ. Tôi cũng không hiểu sao lại yêu cô, có lẽ vì máu “anh hùng” đã ngấm vào tôi khi tôi đọc truyện chưởng ngày xưa, tôi thấy mình có trách nhiệm phải che chở và bảo vệ cô, và đương nhiên, cũng có trách nhiệm phải học giỏi nhất lớp môn của cô nữa chứ. Thế là tôi bắt đầu học môn Sinh và thi đỗ vào lớp chuyên Sinh của trường Năng khiếu Trần Phú, Hải Phòng. Cái nghiệp “môn Sinh” của tôi có lẽ cũng bắt đầu từ đó.
Nhưng còn nghề giáo viên, nhất định không chỉ do tôi mắc bệnh “yêu cô giáo” mà lựa chọn nghề này. Hồi cấp 3, tôi cũng đã từng rất kiên định với mục tiêu là sẽ làm bác sĩ vì mẹ tôi bị bệnh tim và tôi muốn chính mình có thể chăm sóc và chu toàn cho sức khỏe của mẹ. Tôi đã cố gắng vượt qua nhiều nỗi sợ, trong đó có nỗi sợ máu, sợ sâu róm, sợ đi ban đêm một mình … vì nghĩ rằng sau này làm bác sĩ mình sẽ còn phải đối mặt với nhiều điều kinh khủng hơn, nhất là trong ca mổ, khi đối diện với sự sống và cái chết của bệnh nhân.
Thế nhưng, khi đã cầm chắc trong tay giấy báo tuyển thẳng đại học (năm 1999, tôi đạt giải Nhì quốc gia môn Sinh và được lựa chọn vào thẳng tất cả các trường đại học có khối B, bao gồm cả trường Y), hoàn cảnh khách quan đã đẩy tôi đến với nghề sư phạm.
Hồi đó, cả nhà tôi phát hiện bố tôi mắc bệnh tiểu đường và sức khỏe của ông suy sụp rất nhanh (ông mất năm 2007 cũng vì biến chứng của căn bệnh này). Tôi nhìn vào hoàn cảnh gia đình mình, bố và mẹ đều là công nhân và sức khỏe đều không tốt, em gái kém tôi 11 tuổi, mới học lớp 2, còn bao nhiêu chi phí phải lo khi tôi đi học đại học. Vậy là tôi quyết định chọn trường sư phạm vì lí do học không phải đóng tiền, chỉ phải học 4 năm, nếu cố gắng học, tôi còn có thể có học bổng. Quan trọng hơn nữa, tôi nghe nói sau này ra trường sẽ được nhà nước phân việc, đỡ thêm khoản “chạy trọt” cho đầu ra. Như vậy, chắc bố mẹ sẽ không phải lo lắng nhiều vì cái sự học hành của tôi mà có thể dồn vào để chữa bệnh và lo cho em gái tôi chu đáo hơn.
Thế đấy, tôi đến với nghề giáo không chỉ vì tình yêu, mà còn vì những toan tính vật chất thưở ban đầu như vậy đấy.
Nhưng rồi khi thời gian trôi đi, khi học và hiểu sâu về môn Sinh học hơn, tôi bắt đầu khám phá thêm nhiều vẻ đẹp của nó. Cho đến giờ phút này, có lẽ không một bộ máy nào do con người tạo ra lại hoàn thiện và thống nhất ở mức cao độ như cơ thể sinh vật, bao gồm cả cơ thể người và mọi loài sinh vật khác. Mọi quá trình sống của chúng ta dường như đã được lập trình sẵn trong gen, từ khi sinh ra, lớn lên, đến lúc già và chết. Bộ máy ấy hoàn thiện và tinh vi đến từng chi tiết, được tính toán cụ thể cho những hoạt động nào cần tự động, hoạt động nào cần sự tham gia của ý thức, đảm bảo cho chúng ta tồn tại và phát triển. Bạn thử tưởng tượng xem, trong những lúc làm việc bận rộn, tưởng chừng có thể quên mọi thứ, nếu bạn quên cả việc mình cần phải hít thở, thì sẽ nguy hiểm biết nhường nào. Nhưng có lẽ điều tưởng tượng ấy chẳng bao giờ trở thành sự thật, thậm chí chúng ta còn không hề có ý thức rằng mình đang thở, rằng tim mình đang đập. Đơn giản vì điều đó được thực hiện một cách … hoàn toàn tự động.
Tôi còn nhớ nhiều năm trước đây, thế giới cũng đặt ra vấn đề nên có một “ngôn ngữ chung” để mọi quốc gia có thể giao tiếp và hội nhập một cách thuận lợi. Vấn đề ấy đã gây tranh cãi, và cũng tốn không ít công sức để đi tìm một “ngôn ngữ chung” cho loài người trên toàn thế giới, nhưng rồi vẫn hoàn toàn thất bại. Vậy mà, các bạn có thể tưởng tượng được không, không chỉ riêng loài người, mà mọi loài sinh vật trên trái đất này, từ hàng triệu triệu năm về trước, đã tìm thấy một “ngôn ngữ chung”, đó là “ngôn ngữ mã di truyền”. Tất cả mọi loài đều có gen được cấu tạo từ bốn loại nuclêôtit được kí hiệu là A, T, G, X, và đều sử dụng những cơ chế di truyền tương tự nhau để sinh sôi nảy nở và duy trì nòi giống, từ đời này qua đời khác. Với ngôn ngữ chung này, giờ đây, việc tạo ra các loài sinh vật “lai” như trong những câu chuyện cổ tích, truyện thần thoại như nhân mã, nhân sư, ngựa thần có cánh…có lẽ cũng không còn là điều quá khó đến nỗi không thể thực hiện được.
Và tình yêu môn Sinh của tôi cứ lớn dần lên theo năm tháng, kèm theo đó là tình yêu đối với nghề dạy học, khi mà tôi ngắm nhìn những cô cậu học trò tròn xoe mắt khi nghe tôi giảng về những điều kì thú trong sinh học, khi mà 11-12 giờ đêm vẫn có những em học sinh gọi điện cho tôi tâm sự về chuyện gia đình, vì các em tìm thấy ở tôi một nơi tin cậy và an toàn để có thể sẻ chia những băn khoăn, lo lắng của lứa tuổi mới lớn. Trong các bài giảng của mình, tôi không khuyên các em hãy học và thi môn Sinh học, tôi chỉ muốn truyền cho các em một chút tình yêu của mình dành cho môn học đó. Tôi tâm niệm rằng mình không được quyền làm mất thời gian của người học, nghĩa là, nếu sau tiết dạy của tôi mà các em nói rằng “chẳng học được điều gì bổ ích”, thì có lẽ tôi sẽ buồn và tự trách mình nhiều lắm.
Mặc dù ở ngay đầu bài, tôi nhận thức được một sự thật là với đa số người, ngay cả với nhiều giáo viên dạy sinh, Sinh học không phải là một môn học chính, nhưng tôi không đồng tình về điều đó. Với tôi, không có cái gọi là môn chính và môn phụ, môn học nào cũng có vẻ đẹp riêng và có chức năng riêng trong việc trang bị cho HS một hành trang tri thức khi vào đời. Điều quan trọng nhất là bản thân người dạy môn học ấy có thực sự yêu thích và có khả năng làm cho người khác cũng thích môn học của mình hay không mà thôi. Nếu bạn làm được cho người khác thích môn học của mình có nghĩa là bạn đã thành công, không quan tâm đến việc họ có lựa chọn môn của bạn là môn thi đại học hay không, chỉ cần trong giờ học của bạn, họ bộc lộ niềm say mê và hứng thú. Điều này, với cá nhân tôi, là một niềm hạnh phúc, nó làm tôi quên đi cảm giác mệt mỏi vì làm việc đến 1 – 2 giờ sáng. Khi đóng máy tính lại và lên giường đi ngủ, trong tôi chỉ còn cảm giác lâng lâng vì nghĩ đến sự háo hức của HS khi được làm thí nghiệm, niềm vui và sự kinh ngạc của chúng khi khám phá ra cả một thế giới sinh động mà chỉ vỏn vẹn trong giọt nước…
Cho đến giờ phút này, có lẽ tôi phải thừa nhận rằng không phải tôi chọn nghề, mà là NGHỀ ĐÃ CHỌN TÔI!!! Và nếu được lựa chọn lại một lần nữa, có lẽ tôi vẫn chọn làm giáo viên thay vì làm bác sĩ. Tôi biết rằng mình vẫn đang nhìn cuộc đời với con mắt màu hồng, nhưng tôi vẫn muốn giữ con mắt ấy càng lâu càng tốt. Tôi cũng biết rằng giáo dục hiện nay thật sự khá rối ren, nhưng liệu tôi có khả năng thay đổi cả hệ thống giáo dục ấy? Tôi chọn cách làm một người bình thường, cố gắng nhiều nhất có thể trong khả năng bình thường của mình để đem lại cho càng nhiều học sinh những bài học lí thú và bổ ích, để các em cảm nhận được niềm vui từ việc học tập, ít nhất là trong những giờ học Sinh học. Lựa chọn và mong muốn ấy có lẽ thật nhỏ nhoi, nhưng tôi vẫn vui vì mình đang làm tốt những điều nhỏ nhoi ấy...
P/S: Đăng lại bài viết từ năm 2013, khi đó vẫn còn là Giảng viên Bộ môn Phương pháp dạy học - Khoa Sinh - ĐHSPHN. Cơ mà đến giờ, tình yêu đó ... vẫn y chang như vậy!!!
Comentários