Cách đây 20 năm khi chuẩn bị làm hồ sơ thi đại học Cô Bé mạnh dạn nói với mấy đứa bạn “Tớ là không ưa ngành Sư phạm đâu, tớ thấy các Thầy Cô suốt ngày căng thẳng, vất vả với tụi trẻ con quá”. Nói vậy thôi nhưng lúc làm hồ sơ thi đại học vẫn làm 2 bộ : có một trường chính ý định sẽ vào học còn một khối phụ thi chơi chơi đua theo sự rủ rê của bạn bè là Sư phạm (vì nhóm 6 đứa thì có 5 đứa thi sư phạm).
Thế mà không biết trời xui đất khiến sao, năm ấy cái ngành mà Cô Bé chọn lại bị thiếu 0,25 điểm; Còn cái trường mà nghĩ là đi thi cùng đám bạn cho vui lại đậu trong khi 5 đứa bạn lại rớt hết. Trong suốt 4 năm học đại học cũng nhiều lần ý định thi lại nhưng không thành. Vào năm thứ 3 khi học về các phương pháp dạy học, sau buổi thực hành Thầy dạy ngôn ngữ mới nói với Cô Bé “Thầy thấy em có năng khiếu sư phạm đó”. Tự nhiên con bé nó bừng tĩnh luôn, mừng hết lớn lần đầu tiên trong đời nó ngồi ngẫm lại cái ngành mà nó đang theo học. Và 4 năm đại học cũng trôi qua một cách yên bình.
Ra trường năm 2008, được phân công về công tác ở vùng núi xa xôi. Cô Bé còn nhớ như in cái cảnh ngồi sau chiếc xe cúp 81 ông anh chở vào trường vào một ngày mưa. Nó ngỡ ngàng với đoạn đường lầy lội, ai cũng đi ủng làm gì đi dép mà bước đi nổi, xe máy mà hai đầu hai xích như xe tăng, leo lên một cái dốc cao một bên là vách núi một bên là vực thẳm (sau này mới biết cái dốc đó gọi là “Cổng trời”). Lần mò mãi cũng đến được nơi sẽ làm việc, ngôi trường nằm trên một quả đồi với những phòng học vách đất, các bạn học sinh ngây thơ hồn nhiên lấm lem bùn đất. Được dẫn về một phòng tập thể xung quanh là nứa, được lợp tranh, không có điện, không có sóng điện thoại. Tối hôm đó sau khi anh trai đã về, ngồi một mình Cô Bé bắt đầu khóc và ra quyết định….. sẽ bỏ nghề.
Vậy là sáng hôm sau, Cô Bé xin phép nhà trường và ra đón xe về nhà với dự định là không bao giờ quay trở lại. Nhưng những ngày ở nhà, câu hỏi cứ dằn vặt trong tâm trí con bé “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” làm nó mất ngủ mấy ngày liền; Sau khoảng thời gian lắng lại đấy Cô quyết định sẽ vào lại trường.
Và kể từ ngày đó cái nghề này đã đi cùng Cô được 15 năm, luôn mang trong mình một tâm niệm mang đến cái chữ cho các bạn vùng cao; chỉ mong làm sao cho các em biết đọc biết viết rồi hằng ngày Cô cố gắng “nhồi nhét” thêm ít kiến thức về khoa học, về thế giới quan cho bọn nhỏ chứ không mong mỏi gì hơn. Rồi khi chương trình giáo dục PT 2018 ra đời là cơ hội để giáo viên được thỏa sức sáng tạo nhưng đôi khi Cô vẫn bị các hạn chế trong nhận thức của bản thân : Học sinh người đồng bào, nói tiếng Việt còn chưa sõi, nhút nhát sợ sệt liệu các em có làm được không ? Phòng học thì nhỏ, trang thiết bị lại không đầy đủ,…..Và cho đến một ngày đẹp trời, được lọt vào lớp Người truyền lửa Cô ấy dường như có một sự lột xác ngoạn mục : Những rào cản nhận thức bản thân bị xóa bỏ, đã mạnh tay hơn trong việc áp dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học; Với tâm thái“Mặc kệ nó làm tới đi” có làm sẽ có sai, sai lại có được bài học và kinh nghiệm. Không ngờ đã có kết quả ngoài sự mong đợi. Không chỉ thế khi tham gia vào lớp học nhận thức của bản thân cũng được nâng lên : trước kia có làm cũng đâu dám đăng face chụp ảnh gì đâu nhưng giờ đây cũng làm liều đăng đại vì Cô hiểu được một điều đôi khi những việc làm nhỏ của mình sẽ là giải pháp cho một ai đó.
Và tới thời điểm này, Cô Bé đã thật sự hạnh phúc và vững tin với “Sứ mệnh” của mình vì đã ngộ ra rằng : Nghề giáo là nghề tạo ra nhiều giá trị phi vật chất cho xã hội nhất, là cái nghề tạo nhiều công đức, phước đức; không chỉ giúp cho các em học sinh mà còn giúp đỡ, hỗ trợ, đồng hành cùng quý bậc phụ huynh, các tổ chức trong xã hội cùng nhau kiến tạo một xã hội vững bền toàn diện.
Comments